Thứ Tư, 26 tháng 11, 2014

Dược Tính Cây Chùm Ngây-Cây Thần Diệu-Cây Độ Sinh

Dân Việt) - Đưa vào Việt Nam cách đây 24 năm, cây chùm ngây (moringa) đã được trồng thử nghiệm thành công. Đây là loại cây dùng làm thực phẩm và thuốc rất quý, song đến nay việc phát triển nó vẫn chưa được quan tâm đúng mức.
Đầu năm 1989, ông Jaap T.Brands (người Hà Lan) - điều phối viên của Ủy ban Hợp tác KHKT Hà Lan-Việt Nam khi ấy đang hợp tác với Viện KHKT Nông nghiệp Việt Nam nghiên cứu khoai tây và thử nghiệm một số giống rau, sau chuyến đi Philippines đã mang về một giống rau có tên gọi kalamonga. Ông đã tặng ông Trương Văn Hộ - kỹ sư của Viện 9 hạt kèm theo cả vỏ cây rau đó để trồng thử nghiệm.
Cây chùm ngây.
Dễ trồng
“Cây kalamonga được sử dụng như một loại cây rau. Lá và cành non nấu canh, hương vị tương tự rau ngót Việt Nam. Lá non có thể ăn sống. Quả non nấu ăn tương tự đậu ăn quả. Hoa cũng dùng làm món ăn. Hạt già rang chín dùng làm món khai vị. Rễ có thể dùng làm thuốc. Thân cây có nơi dùng làm giàn leo cho hồ tiêu hoặc vani” - ông Hộ đánh giá. Từ năm 1991, ông đã đưa 1.600 hạt giống kalamonga trồng thử nghiệm ở một số nơi.
Cây kalamonga chính là cây chùm ngây, có 13 loài. Nguồn gốc của chúng ở vùng phụ cận dãy núi Himalaya, bang Kerala, tây bắc Ấn Độ. Chùm ngây là cây lâu năm, thân gỗ mềm, thân và cành óng, không gai. Cây chùm ngây có thể trồng vừa làm hàng rào, vừa làm rau ăn, có thể trồng trong chậu để khai thác lá... Thời điểm trồng thích hợp nhất là từ tháng 4- 9. Có 3 phương pháp trồng: Gieo hạt trồng trực tiếp; trồng cây từ hạt; trồng bằng hom. Tránh không để đọng nước làm cây chết. Chùm ngây có thể phát triển ở nhiều chân đất mà không cần bón phân.
Cây thuốc quý
Các nghiên cứu khoa học gần đây nhất của thế giới, trong đó có Martin Price nghiên cứu ở Senegal công bố: Chùm ngây là cây có hàm lượng dinh dưỡng cao. Lá moringa có hàm lượng beta caroten cao hơn cà rốt, protein cao hơn quả đậu, vitamin C cao hơn cam, calcium cao hơn sữa, kali cao hơn chuối, sắt cao hơn xà lách. Nếu sử dụng lá tươi, cứ 100 gam lá/ngày cho trẻ từ 1 - 3 tuổi sẽ cung cấp 100% lượng calcium so với nhu cầu dinh dưỡng, khoảng 70% lượng sắt, 50% lượng protein, kali... Sử dụng 100 gam lá tươi/ngày với phụ nữ mang thai sẽ cung cấp được khoảng 1/3 nhu cầu dinh dưỡng hàng ngày.
Tháng 7.2009, Văn phòng Bảo hộ giống cây trồng, thuộc Cục Trồng trọt (Bộ NNPTNT) đã đưa chùm ngây vào danh mục 11 loài cây trồng được bảo hộ.
Các công trình nghiên cứu nghiêm túc của thế giới đều công nhận, ngoài giá trị dinh dưỡng cao, chùm ngây còn có những hoạt tính như kích thích hoạt động của tim và hệ tuần hoàn, hoạt tính chống u bướu, hạ nhiệt, chống kinh phong, chống sưng viêm, trị ung loét, chống co giật, lợi tiểu, hạ huyết áp, hạ cholesterol, chống ôxy hóa, trị tiểu đường, bảo vệ gan, kháng sinh và chóng nấm...

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét